BIA TIẾN SĨ

THÔNG TIN CHUNG

Vườn bia tiến sĩ là hạng mục quan trọng nhất của khu thứ ba. Chính giữa khu Vườn Bia là một hồ vuông được gọi là “Thiên Quang tỉnh” (giếng Ánh sáng trời). Hai bên giếng Thiên Quang về phía đông và tây là các dãy bia tiến sĩ. Mỗi tấm bia được đặt trên đế bia hình con rùa tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu.

Trên 82 tấm bia khắc họ tên, quê quán bằng chữ Hán của 1.304 tiến sĩ đỗ đạt trong 82 khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến năm 1779 dưới triều Lê và triều Mạc. Dưới thời quân chủ, nhà vua dựa vào bộ máy quan lại để điều hành, quản lý nhà nước. Vì vậy, nhà vua không những phải là bậc minh quân mà còn cần tuyển chọn được người tài đức trong cả nước để giúp mình. Điều này đã khiến hình thành nên một hệ thống thi cử nghiêm ngặt để kén chọn nhân tài vào các vị trí của bộ máy chính quyền.

Những kỳ thi được dành cho nam giới không phân biệt giàu nghèo. Đến thời Lê Sơ (1428-1527) quy định, con nhà tội đồ, con nhà xướng ca và người đang có tang cha mẹ không được dự thi. Các kỳ thi diễn ra rất nghiêm túc, gồm nhiều vòng tuyển chọn và kéo dài tới vài tháng.

Năm 1484, Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) bắt đầu cho dựng bia tiến sĩ để tôn vinh những người đỗ đạt. Bia tiến sĩ là một nguồn sử liệu quý về lịch sử, văn hoá, giáo dục, mỹ thuật và xã hội Việt Nam thời quân chủ. Năm 2011, bia tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.

Mỗi tấm bia tiến sĩ là một tác phẩm nghệ thuật. Dòng chữ to đầu tiên trên bia chỉ ra niên đại khoa thi. Phần chính trên thân bia ghi lại niên đại vị vua trị vì, họ tên, quê quán của những người thi đỗ, bài văn bia và họ tên, chức tước của người được giao tổ chức khoa thi, người soạn thảo văn bia, người hiệu đính, người khắc chữ và thời gian dựng bia. Hoa văn trang trí trên bia khá đa dạng, phản ánh phong cách nghệ thuật qua các triều đại. Bia tiến sĩ càng về sau càng được trang trí công phu và tinh xảo với các họa tiết mặt trời, mặt trăng, mây, rồng, phượng, hình người, hoa lá, chim và thú…

Vào đầu thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhà che bia đã bị hư nát. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, để tránh bom đạn, các tấm bia tiến sĩ được chôn trong cát và bao quanh bằng tường bê tông. Năm 1994, công trình bảo vệ bia tiến sĩ được xây dựng từ nguồn kinh phí của nhà nước, tài trợ của công ty American Express của Mỹ thông qua Quỹ hòa giải Đông Dương.

Bác Hồ tại vườn bia Tiến sĩ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan tại vườn bia Tiến sĩ - Văn Miếu Quốc Tử Giám

THÔNG TIN HỮU ÍCH

I. Giới thiệu chung:

Trải qua gần một nghìn năm lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di sản quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, nơi hun đúc nên truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam.

Văn Miếu được xây dựng ở phía Tây Nam kinh thành Thăng Long vào năm Canh Tuất (1070) dưới triều vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Đây là nơi thờ Khổng Tử (551-479 TCN), một trong những người sáng lập Nho giáo, cùng các học trò xuất sắc của ông, đồng thời là nơi Hoàng Thái tử đến học.

Nằm phía sau Văn Miếu là Quốc Tử Giám được xây dựng vào năm Bính Thìn (1076) dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072-1128) để dạy con em hoàng gia và đại thần quý tộc. Sau này, con em dân thường học xuất sắc cũng được vào học tại đây, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của nền giáo dục Việt Nam. Từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVIII, Quốc Tử Giám đã đào tạo nhiều bậc hiền tài cho đất nước.

Hiện nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám có diện tích 54.331 m2, bao gồm khu nội tự và ngoại tự. Khu ngoại tự gồm hồ Văn và vườn Giám. Nội tự gồm năm khu vực: Nhập Đạo, Thành Đạt, vườn bia Tiến sĩ, điện Đại Thành, nhà Thái Học, được bao quanh bởi bức tường gạch vồ cổ kính, rêu phong. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm đến được yêu thích của Hà Nội, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước.

II. Lịch sử sơ lược:

1.VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM THỜI LÝ, TRẦN, HỒ

Thời Lý, qui mô của Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn khiêm tốn, song cùng với sự phát triển của Nho học, đền thờ, trường, lớp ngày càng phát triển, được quan tâm tu sửa, mở rộng. 

Thời Trần, năm 1236, triều đình bổ Phạm Ứng Thần giữ chức Thượng thư kiêm Đề điệu Quốc Tử viện để trông nom công việc học tập tại Quốc Tử viện, cho cho trùng tu Quốc Tử viện (1243), tô tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử (1253) và cho vời Nho sĩ giỏi trong nước đến Quốc Tử viện giảng Tứ thư, Lục kinh. Quốc Tử Giám đổi tên thành Quốc Tử viện. Văn Miếu được tu sửa khang trang đẹp đẽ.

Năm 1272, Vua Trần xuống chiếu cho tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách (Tứ thư, Ngũ kinh) giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (người đứng đầu trường Giám). Thời Trần Minh Tông (1314-1329), thầy giáo Chu Văn An (người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Đàm, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội) được cử giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Thời Hồ, Nho học vẫn được chú trọng. Kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám về căn bản không có nhiều thay đổi. 

2.VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM THỜI LÊ SƠ - MẠC

Vua Lê Thái Tổ cho mở Nhà học, cho chọn con cháu các quan và nhà thường dân tuấn tú vào Quốc Tử Giám học tập và xuân thu nhị kỳ đích thân đến Văn Miếu làm chủ lễ.

Dưới thời vua Lê Thái Tông (1434-1442) và Lê Thánh Tông (1460-1497), Văn Miếu – Quốc Tử Giám được đại trùng tu, khang trang to đẹp.

Cũng trong năm 1484, Vua Lê Thánh Tông cho dựng 10 tấm bia ghi họ tên, quê quán của các vị Tiến sĩ đỗ trong các khoa thi tổ chức từ 1442 đến 1484.  Đây là sự kiện đặc biệt, khởi đầu cho lệ dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu để khích lệ Hiền Tài. Trên tấm bia của khoa thi năm 1442, hiện vẫn khắc ghi lời Tuyên ngôn cho nền giáo dục nước Nam của Tế tửu Quốc Tử Giám Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí suy thì thế nước kém và suy vì thế không bậc thánh đế minh vương nào không chăm lo gây dựng nhân tài, đắp bồi nguyên khí”.

Năm 1510, triều đình cho trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám với quy mô lớn. Kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm: Điện Đại Thành và Đông vu, Tây vu là nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên hiền của đạo Nho, điện Canh Phục là nơi để đồ tế lễ, thay y phục trước khi tiến hành lễ tế Khổng Tử, khu vườn bia Tiến sĩ; nhà Minh Luân; hai dãy giảng đường bên đông và bên tây, phòng học của sinh viên ba xá; Kho chứa ván khắc in sách của trường Giám, nơi cung cấp sách học cho học sinh trường Giám và các trường ở phủ, lộ.

Năm 1527, nhà Mạc vẫn theo nếp cũ triều Lê duy trì giáo dục khoa cử Nho học, dựng bia Tiến sĩ khoa thi năm 1529. Năm Đại Chính thứ 7 (1536), Mạc Đăng Doanh sai Đông quân Tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa trùng tu Quốc Tử Giám. Mùa xuân năm sau (1537), Mạc Đăng Doanh đến Văn Miếu làm lễ tế Tiên thánh, Tiên sư và thăm Quốc Tử Giám.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới thời Lê sơ - Mạc luôn được triều đình đặc biệt quan tâm,  coi trọng và phát triển.

3.VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM THỜI LÊ TRUNG HƯNG

Thời Lê Trung hưng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục được nhà nước quan tâm, tu sửa. Cách thức quản lý, phương thức hoạt động của Trường ngày càng hoàn thiện. Hàng năm, việc tu bổ, xây dựng thêm, lát gạch và dọn cỏ, theo lệ cũ do lính ở các huyện, xã và các phường ở hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức đảm nhiệm.

Đến năm 1662, các công trình kiến trúc của Quốc Tử Giám nhiều chỗ bị sụt lở, dột nát. Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Thiếu bảo Phạm Công Trứ được giao nhiệm vụ trông coi việc sửa sang Quốc Tử Giám. Phạm Công Trứ cho xây dựng Phán Thuỷ Đường trên gò Kim Châu ở hồ Văn và làm 10 bài thơ vịnh để ghi lại cảnh đẹp. Cứ đến mùng Một và ngày rằm hàng tháng, học trò lại tập trung về Quốc Tử Giám học tập.

Năm 1693, nhà vua cho phép các quan Quốc Tử Giám được ở ngay tại trường để tiện cho việc giảng dạy và quản lý Nho sinh. Từ  năm 1721 đời Vua Lê Dụ Tông, Tế tửu và Tư nghiệp cũng tham gia giảng dạy. Trong nhiều giai đoạn, chức quan này do các quan đầu triều kiêm nhiêm.

Mùa xuân năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760), triều đình cho sửa lại nhà Đại Bái và làm hai cột đá hình bút lông dựng phía trước. Đến tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762), chúa Trịnh Doanh cho tu sửa Quốc Tử Giám.

Năm 1771, hai bia Hạ Mã được dựng phía trước Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hàm ý dù quan lại hay dân thường khi đi qua cửa Văn Miếu đều phải xuống ngựa đi bộ qua cửa Văn Miếu nhằm thể hiện sự tôn kính đối với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền. Cũng trong năm này, Quan trông coi Quốc Tử Giám đã cho giải toả nhà ở của dân xung quanh hồ Văn, mở rộng, trồng cây, lát đường. Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở lại trang nghiêm như xưa. Năm 1785, Bùi Huy Bích lại cho trùng tu nhà Thái Học.

Dưới thời Lê Trung hưng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát triển hưng thịnh, góp phần đào tạo ra nhiều nhân tài, quan chức cho Nhà nước ./.

4. VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM GIAI ĐOẠN 1802 - 1945

Dưới thời Nguyễn, Thăng Long không còn giữ vị trí Kinh đô mà trở thành thủ phủ của phủ Hoài Đức (sau này thuộc trấn Bắc Thành). Văn Miếu trong thời kỳ này được gọi là Văn Miếu trấn Bắc Thành, sau đổi tên thành Văn Miếu Hà Nội, Quốc Tử Giám trở thành trường học của phủ Hoài Đức. Về sau, khu vực này bị dỡ bỏ để xây đền Khải Thánh thờ cha, mẹ của Khổng Tử.

Năm 1805, Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành cho dựng Khuê Văn Các tại Văn Miếu. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo xây dựng năm 1805, gồm 2 tầng, 8 mái.

Năm 1808, sau khi xây dựng xong Văn Miếu ở kinh đô Huế, nhà Nguyễn đã xuống chiếu cho Văn Miếu các địa phương trong đó có Văn Miếu Bắc Thành thờ thần vị Tiên sư, không thờ tượng.

Năm 1827, vua Minh Mệnh lệnh chuyển các bản in Ngũ kinh, Tứ thư Đại ToànVõ kinh trực giảng lưu giữ ở Văn Miếu Bắc Thành về Quốc Tử Giám Huế. Đến năm 1833, nhà Đại Bái và Điện Đại thành được sơn và sửa lại, tường bao quanh toàn khu Văn Miếu được xây dựng lại. Năm 1858, dựng hai dãy nhà bia Tiến sĩ bên Tả, Hữu vu, mỗi bên 11 gian. Năm 1863, Bố chánh Hà Nội là Hoàng giáp Lê Hữu Thanh cùng Án sát Đặng Tá quyên tiền xây dựng lại nhà bia, mỗi bên 2 tòa, mỗi tòa 11 gian để bảo vệ bia Tiến sĩ.

Trong thời gian từ 1888-1945, Văn Miếu đã trải qua 04 đợt trùng tu vào các năm 1888, 1897 - 1901 và 1904 – 1909. Năm 1905, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Toàn quyền Đông Dương,  được xếp hạng là Di tích lịch sử của Thành phố Hà Nội; đến năm 1925 tiếp tục được liệt vào danh mục các Di tích lịch sử của Đông Dương.

Dưới thời Nguyễn (1802-1845) với bao biến cố thăng trầm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn luôn được gìn giữ bảo vệ nhờ tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc của các sĩ phu và nhân dân Hà Nội, Hà Đông.

5. VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM GIAI ĐOẠN TỪ 1945 ĐẾN NAY

Từ năm 1945, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội trở đi chỉ còn là nơi thờ tự. Sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đây chủ trì buổi tế Thu vào ngày 21/10/1945. Sự kiện này một lần nữa khẳng định ý nghĩa của những giá trị văn hóa dân tộc được lưu giữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong bối cảnh lịch sử mới.

Trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị hư hại nhiều. Giai đoạn đầu thời kỳ toàn quốc kháng chiến (1946-1947) khu đền Khải Thánh cũng như nhà Đông vu, Tây vu khu Điện Đại Thành đã bị phá hủy.

Để bảo vệ Di tích Văn Miếu, một số người tâm huyết với nền văn hóa nước nhà đã đứng ra thành lập Văn Miếu học hiệp hội với mong muốn bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích. Văn Miếu học hiệp hội đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ di tích này cho đến ngày giải phóng Thủ đô (năm 1954).

Năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, ngành Văn hóa Hà Nội đã tu sửa lại Văn Miếu, trùng tu hai dãy Đông vu, Tây vu ở hai bên sân Đại Bái.

Ngày 28/04/1962, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Bộ Văn hoá xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Ngày 25/04/1988, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thành lập, có trụ sở đặt ngay trong Di tích. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám có chức năng quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong giai đoạn mới, góp phần bảo tồn, xây dựng nền văn hóa dân tộc.

Tháng 05/2011, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được ghi danh vào danh sách Di sản Ký ức Thế giới; Ngày 14 tháng 01 năm 2015, 82 bia Tiến sĩ được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ngày 10/05/2012, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ngày 19/4/2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc  Tử Giám.

 

Triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

III. DI TÍCH VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM – TRUNG TÂM HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Mặc dù được tạo dựng từ gần 1000 năm trước đây, đã có những biến đổi nhất định cả về hình thái và chức năng nhưng cho đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn là một tổng thể khá hoàn chỉnh với đầy đủ các ý nghĩa, giá trị tự thân về lịch sử, văn hóa, giáo dục của một địa danh gắn liền với Thăng Long - Hà Nội. Trải qua những thăng trầm của lịch sử,  không gian văn hóa, tổng thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn lưu giữ tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật, truyền thống hiếu học và trở thành biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt Nam. Những giá trị này vẫn đang hiện hữu và đóng góp tích cực vào cuộc sống xã hội đương đại.Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay có sự hiện diện, tiếp nối của nhiều thời kỳ lịch sử, trong sự thống nhất, hữu cơ, giàu “sinh khí” được khởi nguồn từ thuở ngàn năm.

Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một địa chỉ văn hóa tiêu biểu ở Hà Nội, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, học tập. Du khách đến đây để viếng thăm nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên hiền, thăm Quốc Tử Giám, trung tâm giáo dục cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ. Đồng thời, du khách đến với di tích là đến với một biểu tượng ngàn năm văn hiến, để tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục có ý nghĩa được tổ chức trong không gian lịch sử, văn hóa đặc biệt giữa lòng Thủ đô.

Hàng năm, hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên từ khắp miền của đất nước về Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tri ân các bậc hiền tài, các danh nhân văn hóa của đất nước và nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa trong hành trang của thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh và hội nhập với thế giới.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là nơi tổ chức những cuộc trưng bày, triển lãm các chuyên đề liên quan đến lịch sử, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, hoạt động khuyến học của các trường học và dòng họ. Vào dịp đầu năm mới, truyền thống xin chữ, tặng chữ được tái hiện, các hoạt động vui xuân như múa lân, cờ người, biểu diễn nghệ thuật truyền thống... tạo nên sức sống mới của Di tích, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều buổi lễ quan trọng của đất nước và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh dự là nơi đón tiếp nhiều nguyên thủ các nước trên thế giới khi đến thăm Việt Nam... Hơn cả một Di tích Quốc gia đặc biệt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực sự là một không gian lịch sử - văn hóa đặc sắc kết tinh từ nghìn năm, nay tiếp tục tỏa sáng và trường tồn.

ĐƠN VỊ QUẢN LÝ

TRUNG TÂM HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ KHOA HỌC VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

CHỈ DẪN ĐỊA LÝ